Nét độc đáo của hoa văn trên thổ cẩm của người Mạ ở Lâm Đồng

Người Mạ là một trong ba dân tộc bản địa ở Lâm Đồng sống tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Cũng như người Cơho và một số tộc người khác ở Tây Nguyên trước đây, ngoài kinh tế nương rẫy và săn bắt, hái lượm, người Mạ còn có các nghề thủ công truyền thống từ lâu đời để phục vụ cho cuộc sống tự cung tự cấp của dân tộc mình; đặc biệt trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Chỉ với một bộ khung dệt tự chế 12 thanh vừa gỗ vừa lồ ô rất đơn sơ, gọn nhẹ nhưng người Mạ đã tạo nên những tấm thổ cẩm với những đường nét, họa tiết hoa văn rất sinh động.

Hoa văn trên thổ cẩm của người Mạ

Hoa văn trên thổ cẩm của người Mạ

Màu sắc thổ cẩm Mạ

Màu sắc được sử dụng nhiều trên thổ cẩm Mạ thường là các màu đỏ, đen, xanh, nâu, vàng, trắng. Nhưng màu trắng vẫn được sử dụng nhiều hơn cả.

Khác với người Cơ Ho và đa số các dân tộc bản địa khác ở Tây Nguyên, người Mạ thường chọn màu trắng làm chủ đạo để tạo nền cho tấm thổ cẩm. Trong khi các dân tộc khác ở Tây Nguyên lại thiên về chọn những gam tối màu như xanh, đen để làm nền cho thổ cẩm. Vì vậy mà các họa tiết hoa văn của người Mạ được nổi bật và tươi sáng hơn.

Nguyên liệu để tạo màu của người Mạ đều được lấy từ trong tự nhiên nơi họ sinh sống . Đó là các loại củ, quả và lá cây rừng như: củ nghệ, củ nâu, lá cây tràm, cánh kiến và cả đá non có màu đỏ, vàng, than củi… tất cả đều được giã nhỏ hoặc mài bột ngâm để nhúng nhuộm sợi. Tỉ lệ pha chế tạo màu hoàn toàn theo kinh nghiệm và bí quyết của các nghệ nhân.

Dệt thổ cẩm

Dệt thổ cẩm

Cách tạo hoa văn

Để tạo hoa văn trên thổ cẩm, ngoài việc dùng những thanh công cụ nhỏ đẩy luồn sợi khi dệt, người phụ nữ Mạ còn khéo léo dùng tay luồn sợi thêu trên tấm vải. Họ vừa dệt vừa thêu, dệt tới đâu thì thêu tới đấy.Trong quá trình dệt, người Mạ thêu họa tiết không cần dùng kim thêu, đây cũng là một nét độc đáo của người Mạ. Cũng như người Cơ Ho, người phụ nữ Mạ thường dệt hoa văn không theo một đồ án định trước và khuôn mẫu nhất định nào cả ( ngoài một số hoa văn hình học, hình kỷ hà, đường viền với các họa tiết lặp lại theo chu kỳ) mà phần nhiều là do ngẫu hứng với cảm quan của người dệt đối với sự vật, thế giới xung quanh theo cách nhìn, cách nghĩ của họ. Hoa văn trên thổ cẩm của người Mạ được tạo bởi dệt và thêu. Thường các hoa văn lặp đi lặp lại theo chu kỳ như dạng hình học, hình kỷ hà, đường viền… thì dùng kỹ thuật dệt; còn các hình người, cây cối, chim muông và các vật dụng phần lớn là dùng kỹ thuật thêu.

Các loại hoa văn trang trí trên thổ cẩm của người Mạ

Đề tài, họa tiết trang trí trên thổ cẩm của người Mạ phổ biến là hoa văn hình học, hình kỷ hà, sóng nước, hình người, muông thú và các vật dụng gần gũi quen thuộc gắn bó với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ như: cối, chày giã gạo, cây nêu, cầu thang nhà sàn, quả bầu, cây đa, con thằn lằn, con vượn, con rắn nước, chân quạ, đường mòn, dấu chân loài vật, chiếc lược, chiếc ô, ngôi sao, cán xà gạt, các đường ziczac… Đặc biệt là các đề tài hoàn toàn ngẫu hứng bất chợt xuất hiện trong đầu như khi nhìn thấy con chuồn chuồn đang bay, con khỉ, con vượn… hay một vật nào đó họ cũng có thể đưa vào trang trí trên tấm vải đang dệt của mình. Ngày nay, ngoài những hoa văn truyền thống, người Mạ còn đưa vào trang trí trên thổ cẩm cả những vật hoàn toàn mới mẻ như chiếc máy bay, cây thánh giá, ngôi sao…

Chính sự phong phú, đa dạng của màu sắc, đề tài trang trí đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho thổ cẩm của người Mạ cũng như trang phục của họ. Nó mang một sắc thái riêng không giống với các tộc người khác ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

5/5 - (1 bình chọn)


Gửi bình luận của bạn