Đà Lạt – Đứa con của tham vọng: Tương lai tưởng tượng

“Chẳng có gì còn lại của sự hưng phát ngày xưa, chỉ có những đống đổ nát thảm thương” – nhà thám hiểm Henri Maitre thuật lại tình trạng hư hại của Đankia và Đà Lạt khi ông quay lại vào tháng 12-1909.

Những thay đổi của thời cuộc, chính trị từ Paris tác động trực tiếp đến chính quyền Đông Dương và thay đổi mục tiêu của tương lai Đà Lạt. Các đồ án quy hoạch và mở rộng Đà Lạt kể từ Ernest Hébrard năm 1923, Louis-Georges Pineau năm 1932, đến Jacques Lagisquet năm 1942 đều gặp phản ứng từ dư luận, mâu thuẫn với chính quyền, bất đồng của cư dân. Đồ án của nhà quy hoạch nào cũng có khoảng cách giữa viễn kiến tương lai với hiện trạng quản lý và xung đột lợi ích cá nhân, nhưng nếu không có ý chí của người Pháp sẽ không thể có di sản Đà Lạt.

Điển hình nhất của tình trạng bỏ phế này là tấm thông báo cuối cùng dán trên vách tư gia viên thanh tra Pháp ở Đankia: tỉ giá hối đoái giữa đồng quan Pháp và đồng bạc Đông Dương cách đó chín tháng! Maitre tưởng như thời gian đã ngừng trôi ở đây.

Thành phố từ con số không

Đà Lạt không khá gì hơn, vẫn y như lúc Maitre tới lần trước với chừng ấy ngôi nhà nhưng hoang tàn kỳ lạ. Chỉ có một khu nhỏ dành cho người Việt là có dấu hiệu sự sống. Maitre hết sức xót xa khi kế hoạch xây dựng thành phố trên núi bị xếp xó sau khi đã ngốn quá nhiều tiền. Thực tế chính quyền Đông Dương đã phải vay từ mẫu quốc những số tiền khổng lồ để tài trợ cho dự án Lang Bian – chỉ riêng kế hoạch xây dựng đường sắt đã phải vay 200 triệu quan Pháp vào năm 1898. Chưa thành hình nhưng ngay từ đầu Đà Lạt đã là tham vọng của người Pháp, các toàn quyền phải vay vốn từ Paris để đầu tư và trả nợ bằng tiền thuế từ Đông Dương. Vào lúc Maitre quay lại chốn này, nguồn ngân sách cho “Đà Lạt trong mơ” đã gần cạn.

Loạt bài này dựng lại một toàn cảnh về sự hình thành Đà Lạt, viết theo những tài liệu mới và đặc biệt là nguồn sử liệu phong phú của nhà sử học Canada chuyên về lịch sử thực dân Pháp – tiến sĩ Eric T. Jennings, giáo sư ĐH Toronto. Những nghiên cứu mới mẻ về Đà Lạt của Jennings đã được đúc kết thành cuốn Imperial heights – Dalat and the making and undoing of French Indochina (NXB Đại Học California xuất bản tháng 5-2012). Pho sử này liền được dịch sang tiếng Pháp dưới tựa đề La ville de l’éternel printemps – Comment Dalat a permis l’Indochine Française (NXB Éditions Payot, Paris xuất bản tháng 10-2013).

Đà Lạt 1925

Một góc Đà Lạt năm 1925 – 1930 nhìn từ đường Hồ Tùng Mậu

“Một thành phố trong hi vọng”

Đà Lạt đã được nhìn nhận như thế trong báo cáo của sĩ quan Prosper Oden’hal năm 1901 về khả năng biến vùng đất hoang sơ trên núi ấy thành nơi dưỡng bệnh cho quân viễn chinh Pháp. Ở đầu thế kỷ 20, việc tưởng tượng một thành phố an dưỡng cho cả Đông Dương trên cao nguyên Lang Bian đòi hỏi một niềm tin sắt đá và nhiều quyết định liều lĩnh. Hai toàn quyền Paul Doumer và Jean Beau cùng các cộng sự đã cho xúc tiến nhiều nghiên cứu nhằm tạo dựng một thành phố trên núi từ con số không.

Các nhà khí tượng học tỉ mỉ đo lường lượng mưa và nhiệt độ Đà Lạt. Các chuyên gia nghiên cứu những đường giao thông tương lai. Nhiều người khác thử nghiệm nuôi trồng đủ loại gia súc và rau quả trên Lang Bian. Nhiều người nữa vẫn tiếp tục đối chiếu địa thế Đà Lạt với các thủ phủ mùa hè và trạm nghỉ cao nguyên mà các đế quốc châu Âu đã cho xây dựng ở các vùng nhiệt đới khắp thế giới.

Vào năm 1901, nơi gọi là Đà Lạt chỉ gồm 19 ngôi nhà gỗ, nhiều cái xây dựng chưa xong.

Công trình lớn nhất là ngôi nhà được gọi là Sala đóng vai trò một lữ quán cho khách vãng lai. Những người Pháp điều hành ở trong ba căn nhà. Khâm sứ Trung kỳ Jean Auvergne có riêng một căn. Một nhà khác dành cho vị thị trưởng Đà Lạt đầu tiên Paul Champoudry. Thêm một căn cho nhân viên kế toán, một căn cho lính gác và hiến binh, một trạm thuế quan, một trạm bưu điện, một căn làm cơ quan “công trình công cộng”, một căn cho nhân viên thuộc cấp. Cuối cùng là bảy nhà tạm cho binh lính và làm kho chứa.

Trong bối cảnh đìu hiu này, các quan bảo hộ với những chức tước to lớn suốt ngày chỉ biết giết thời gian bằng cách nhìn ngó nhau hay đi săn hổ báo trong lúc các nhà quản lý “thành phố” đau đầu cố sức giải quyết vấn đề cung ứng nhu yếu phẩm và nguyên vật liệu. Đau đầu nhất chính là Champoudry, ông thị trưởng không có thị dân.

Giấc mơ Champoudry

Trước khi đảm nhiệm dự án không tưởng là thiết lập một thành phố châu Âu ở cao nguyên xứ An Nam, Champoudry từng là ủy viên hội đồng thành phố Paris những năm 1894-1895. Ông là người giám sát việc thi công đường tàu điện ngầm và những công trình chuẩn bị cho Hội chợ quốc tế Paris 1900. Thất bại tranh cử năm 1896 đã khiến người đàn ông tuổi lục tuần này cùng gia đình đang tăng thêm nhân khẩu đi tìm kiếm phiêu lưu ở Đông Dương. Nhiệm vụ chính của Champoudry ở Đà Lạt là… tưởng tượng! Ông sẽ phải xây dựng đồ án quy hoạch đầu tiên của Đà Lạt, cố hình dung những địa điểm để xây dựng các công trình công cộng và xác định những đặc tính an dưỡng, giải trí riêng biệt ở nơi mà nhiều nhà khảo sát cho là một “sa mạc bao la” của rừng thông và cỏ hoang.

Đường Đankia Đà Lạt 1930

Đường Đankia Đà Lạt 1930 (Xe hiện đại và xe thô sơ)

Champoudry phác thảo đồ án năm 1905 của mình theo đúng yêu cầu quân sự: Đà Lạt sẽ là nơi dưỡng bệnh, hồi sức cho quan binh Pháp. Những tưởng tượng của Champoudry được cụ thể hóa bằng bản đồ. Biết quân đội muốn chiếm lĩnh một không gian đáng kể trên cao nguyên này, Champoudry tập trung tất cả dịch vụ hành chính và công cộng vào một khu vực duy nhất. Ông dự kiến một cái chợ nằm ngay chỗ tiếp nối các con đường huyết mạch chính của thành phố (khu vực ấp Ánh Sáng sau này), dẫn ra một công trường được bố trí cho thuận tiện giao thông. Gần chợ và ở trung tâm thành phố, ông dành không gian cho các quầy buôn bán và tiệm kinh doanh nhỏ.

Ở giữa trung tâm, Champoudry tưởng tượng một khách sạn có nhà hàng và casino. Ông dành riêng một khu vực cho bưu điện và nhà ga nằm đối diện nhau rất thuận tiện. Vấn đề vệ sinh là quan tâm hàng đầu của ông thị trưởng. Tiệm giặt ủi công cộng phải nằm cách xa thành phố phía dưới dòng suối. Đà Lạt cũng sẽ là một trung tâm hoàn toàn hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu đầu thế kỷ 20: mọi kiến trúc và nhà ở đều có điện và có nước máy dẫn vào tận nơi. Vật liệu xây dựng ưu tiên sẽ là bêtông cốt sắt.

Với một vùng đất trinh nguyên thì Champoudry tha hồ bay bổng với mọi ý tưởng. Nhưng mặt khác, muốn thiết lập thành phố trên núi ấy thì phải xây dựng từ đầu hết mọi thứ: đường giao thông, hạ tầng, hệ thống cung cứng… không chỉ riêng cho Đà Lạt mà cho cả những ngả đường từ dưới đồng bằng có thể vượt núi đưa vật tư và nhân lực tới được chốn mơ tưởng này. Đưa được cái bàn bida và cây piano lên căn nhà nghỉ mát trên Đà Lạt cho khâm sứ Trung kỳ là cả một công trình gian khổ ròng rã trên lưng ngựa và lưng người Việt.

Nhưng Đà Lạt của Champoudry chỉ là ảo mộng, cũng gần giống như ngân sách hoạt động dành cho “thành phố” này. Vì lý do sức khỏe và buồn chán, ông xin toàn quyền Jean Beau cho phép thuyên chuyển hoặc chí ít cũng tăng cường ngân sách và nhiệm vụ cho ông. Champoudry không đủ kiên nhẫn chờ đợi 15 năm nữa để thấy giấc mơ của mình thành hiện thực.

Trần Đức Tài

5/5 - (1 bình chọn)


Gửi bình luận của bạn