Lễ cúng lúa mới của người K’Ho Srê
Dân tộc K’Ho là một trong những dân tộc thiểu số ở Lâm Đổng. Ngoài các nhóm K’Ho Chil, K’Ho Lạch, K’Ho Nộp thì người K’Ho Srê có số dân đông nhất. Srê nghĩa là ruộng nước, người K’Ho Srê sống chủ yếu bằng canh tác lúa nước ở những thung lũng sâu, có lối sống tín ngưỡng thờ đa thần giáo như thần sông, thần núi; thần cây… Họ quan niệm, các vị thần luôn có ở mọi nơi và gần gũi với con người.
Với đời sống văn hóa tinh thần phong phú nên các lễ hội thường gắn liền với các hoạt động nông nghiệp. Các lễ hội xoay quanh chu kỳ của mùa vụ và để cầu một năm mưa thuận gió hòa, cây lúa nhiều hạt, hạt chắc không bị sâu… Đây luôn là mơ ước của người K’Ho Srê và là lý do đồng bào tổ chức Lễ “Mừng lúa trổ bông – Nhô Wer” vào tháng 7 hàng năm.

Lễ cúng lúa mới của người K’Ho Srê
Lễ chính được tổ chức trong một ngày với nhiều nghi thức khác nhau tại một mảnh đất bên cánh đồng lúa của dân làng, sau đó mỗi gia đình cũng tự tổ chức lễ tại nhà của mình. Các lễ vật chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp được dâng lên thần. Già làng là người luôn có vài trò chính trong các sự kiện trọng đại của buôn làng.
Chuẩn bị và thực hiện lễ cúng
Các nghi lễ được người dân chuẩn bị chu đáo trước đó nhiều ngày. Tại nơi diễn ra nghi lễ, họ chuẩn bị một bàn thờ chính và một bàn thờ nhỏ nằm bên dưới chân hai cây nêu. Trên hai cây nêu họ trang trí nhiều hình họa, mỗi cây nêu có những sợi tua màu trắng làm từ tre, người K’Ho Srê quan niệm màu trắng đại diện cho cõi âm, khi cúng mới có thể kêu gọi thần linh về chứng kiến họ đang làm lễ cúng Yàng. Trên mỗi đỉnh cây nêu có treo một mảnh vải màu đỏ, với ý nghĩa báo hiệu cho thần linh về dự lễ dân làng đang cúng cầu mùa, cầu sức khoẻ, mong các vị thần chứng giám. Ngoài ra, trên cây nêu còn có hình con chim cu, họ tin rằng chim bay lên trời có thể đưa lễ cúng như lúa, gạo, bánh, chuối… đến cho ông bà, tổ tiên.
Bàn thờ nhỏ bên cạnh hai cây nêu được làm giống như ngôi nhà gọi là “Hìu Yàng cát Ndu”, trên đỉnh cũng được trang trí các sợ tua trắng làm từ tre, bên trong được đặt các lễ vật như chuối, gạo, trứng… Người K’Ho Srê quan niệm đây là nơi để thần linh ngồi ăn uống cùng với dân làng.
Khi làm lễ, già làng cùng những người có uy tín đứng thành hàng trước cây nêu, một người đại diện đốt cây trầm nước (một loại cây có hương thơm đặc biệt được lấy từ rừng) để hương thơm lan toả lấy cái may mắn xua đuổi cái xấu, cái không tốt đi nơi khác. Sau đó họ đọc lời khấn cầu Yàng, lời khấn có ý “xin Yàng năm cũ đã qua, năm mới đã tới, xin Yàng cho một vụ mùa bội thu, mưa thuận, gió hòa, núi rừng yên ổn, dân làng no ấm cho lúa nhiều hạt, đặng năm nay đủ ăn, dư đến sang năm.”
Bàn thờ chính, nơi cúng kêu gọi thần linh về với dân làng (gọi là Hìu yàng pơdơng phăn sa Yàng in), tại nơi này vật lễ cúng bao gồm chuối, gà, bánh nếp, trứng, thịt trâu, tim trâu… Gà được nhổ sạch lông, không nấu chín đặt vào nơi cúng. Theo truyền thống của ngươi K’Ho Srê, lễ cúng thưởng do đàn ông đảm nhiệm. Sau khi cầu khẩn xong già làng thái nhỏ một ít thịt trâu bỏ xuống bàn thờ nhỏ để thần linh về thưỏng thức vật lễ chung vui với dân làng. Thịt trâu được chia đều cho từng gia đình, phần còn lại được nấu để dân làng và những ngươi tham dự cùng ăn sau lễ cúng, lúc này mọi người đều ăn uống vui chơi tại chỗ cho đến tối.
Sau lễ cúng ngoài đồng, trong từng gia đình, họ cũng tổ chức lễ hiến tế gà, máu gà được bôi lên trán mỗi người, họ đặt lông gà trong từng góc nhà mình với ý nghĩa cầu may mắn, bình an. Hòa trong tiếng chiêng, tiếng trống họ vui chơi và nhảy múa cùng những ngươi tham dự, lúc này mỗi gia đình sẽ đi cầu chúc cho nhau, trong tâm khảm mỗi người đều dâng lên một niềm hy vọng, các vị thần sẽ phù hộ cho họ một sức khỏe, một vụ mùa bội thu vào năm tới. Lễ cúng lúa trổ bông không chỉ là nghi thức cúng lễ mà còn là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con ngươi với thiên nhiên và cảnh vật, người K’Ho Srê coi đây là sự tồn tại không thể thiếu trong đời sống tâm linh của con người.
Giáp Thắng