Chiến lược phát triển thành phố Đà Lạt đẳng cấp quốc tế
Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa kí Quyết định số 704/QĐ – TTg có nội dung “Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, mục tiêu phát triển đề ra là “xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế”.
Tính chất của Đà Lạt được nêu lên tại quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch này: “Là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học kĩ thuật của tỉnh Lâm Đồng; trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp và văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế , trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; trung tâm văn hóa nghệ thuật, thể dục – thể thao và văn hóa cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước”.

Một góc cảnh quan thành phố Đà Lạt
Theo quy hoạch điều chỉnh nói trên, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm các thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm Và Nam Hà) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930 ha, dân số 529.631 người (năm 2011); trong đó, riêng thành phố Đà Lạt có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 39.440ha và dân số là 211.696 người (năm 2011). Theo dự báo đến năm 2020, dân số Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ tăng lên khoảng 600.000 – 650.000 người; đến năm 2030: 700.000 – 750.000 người. Về mô hình phát triển và kiến trúc không gian thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận: phát triển theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa – lịch sử. về phân vùng phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận, vùng phát triển đô thị có tổng diện tích khoảng 11.600ha, vùng phát triển nông nghiệp và nông thôn 73.000ha, vùng bảo tồn phát triển rừng 232.000ha và vùng phát triển du lịch sinh thái 6.500ha. Với riêng định hướng không gian thành phố Đà Lạt, quy hoạch đặt ra mục tiêu bảo tồn và phát triển thành phố Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch – văn hóa – khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế.
Hiện chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng bạn hành quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt được duyệt, lập và ban hành quy chế quy hoạch và quản lý kiến trúc đô thị. Cùng đó, UBND tỉnh Lâm Đồng còn có trách nhiện công khai đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt được duyệt; tổ chức rà soát việc lập, điều chỉnh và phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị để cụ thể hóa quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.
Thi Hoàng