Du lịch Đà Lạt gắn kết với các làng nghề có sản phẩm phù hợp

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 – 2016 và định hướng đến năm 2020. Với Đà Lạt – thành phố có nhiều làng nghề và là thành phố du lịch, đề án này của UBND tỉnh Lâm Đồng có tầm đặc biệt quan trọng.

Đặc biệt quan trọng bởi lẽ, một trong những nội dung chính của đề án đặt ra đó là phát triển làng nghề gắn với du lịch địa phương. Tại Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 22.1.2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng có nêu rõ ở phần nội dung thực hiện: “Hỗ trợ các làng nghề có sản phẩm phù hợp với phát triển du lịch như: trồng hoa, cưa lọng chạm bút lửa, hoa khô, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, dệt lụa, làm tranh hoa… để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các khu trưng bày, tạo điểm đến cho khách du lịch; trong giai đoạn 2014 – 2016 lựa chọn và phát triển 08 làng nghề thành các điểm du lịch trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, đồng thời phát triển 04 làng nghề dọc theo các tuyến Quốc lộ 20, 27, tỉnh lộ 722, 725”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2016 được UBND tỉnh đặt ra: Cùng với việc khôi phục, phát triển 1 nghề truyền thống và 2 làng nghề, thành lập và công nhận 10 làng nghề thì vấn đề quan trọng khác là tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển 12 làng nghề gắn với du lịch; trong đó gồm 8 làng nghề gắn với điểm du lịch và 4 làng nghề gắn với tuyến du lịch.

Tính đến lúc này, cả tỉnh Lâm Đồng có 8 làng nghề và 1 nghề được công nhận là “làng nghề truyền thống” và “nghề truyền thống”. Trong 8 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận này, Đà Lạt chiếm đến 3 làng là các làng hoa truyền thống Thái Phiên, Hà Đông và Vạn Thành. Cùng đó, bên cạnh “vệ tinh” nghề truyền thống làm nhẫn bạc của người Churu ở Đơn Dương (chỉ cách trung tâm Đà Lạt vài chục cây số), du lịch Đà Lạt còn gắn liền với những làng nghề truyền thống của các địa phương lân cận như làng dệt thổ cẩm Bnơ C ở xã Lát của huyện Lạc Dương (cách Đà Lạt chưa đến 20km), hoặc như nghề làm rượu cần của người dân tộc thiểu số thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương)… Cùng đó, ở phạm vi nội thị, Đà Lạt có lợi thế không nhỏ với các nghề truyền thống gắn với du lịch như nghề cưa lọng chạm bút lửa, nghề làm hoa khô, tranh hoa…

du lịch làng hoa đà lạt

Phát triển du lịch gắn kết với các làng trồng hoa Đà Lạt

Những năm qua, cứ đến mỗi kỳ festival hoa Đà Lạt, các làng hoa được công nhận là làng nghề truyền thống của Đà Lạt đều trở thành “điểm đến” của du khách. Ngoài việc chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương có làng hoa có nhiệm vụ chuẩn bị một cách tốt nhất cho “điểm đến” của du khách là làng hoa của mình thì bản thân các hộ gia đình trồng hoa của các làng hoa cũng có nhiều cố gắng để không phụ lòng du khách. Với Đà Lạt, sản xuất rau hoa và du lịch là hai thế mạnh cùng song song tồn tại và phát triển. Trong những năm gần đây, Đà Lạt có nhiều cố gắng trong việc “nâng tầm” các làng hoa lên mức cao hơn để thực sự trở thành làng nghề du lịch. Với ngành du lịch Đà Lạt, một trong những điểm đến không thể thiếu trong quảng bá khi tiếp cận với du khách của các nhà kinh doanh du lịch là các làng hoa, các nông trại trồng hoa, các điểm du lịch sinh thái liên quan đến hoa… Rồi nữa, một thông tin đáng quan tâm là trong năm 2014 này, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tung ra gói tín dụng ưu đãi khoảng 4.000 tỷ đồng để phát triển ngành hoa cao cấp Đà Lạt.

Cũng trong năm 2014 này, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10.5.2011 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch – dịch vụ giai đoạn 2011 – 2015, đồng thời đánh giá kết quả thực hiện 3 năm để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp”. Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy có nêu: “Chú trọng khai thác lợi thế cạnh tranh về tiềm năng cảnh quan, môi trường, khí hậu để phát triển du lịch… Có cơ chế thích hợp và điều kiện để đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề, các hoạt động, sinh hoạt văn hóa truyền thống để phát triển loại hình văn hóa truyền thống để phát triển loại hình du lịch văn hóa…”. Tại kế hoạch thực hiện Nghị quyết 04, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định: “Quy hoạch phát triển các làng hoa, các khu nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới phục vụ du lịch; gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với du lịch, dịch vụ; đầu tư, đa dạng hóa và ngày càng nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ du lịch từ nông nghiệp”. Đồng thời, kế hoạch này còn nêu rõ: “Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để thu hút du khách; hàng năm thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc xây dựng từ hai sự kiện chuyên đề trở lên để thu hút khách du lịch như: tổ chức festival hoa theo định kỳ, lễ hội văn hóa trà và các sự kiện chuyên đề hàng năm nhằm thu hút du khách và thu hút đầu tư phát triển kinh tế; tập trung nguồn lực để tổ chức Năm Du lịch quốc gia Đà Lạt – Lâm Đồng 2014”.

Với những đường hướng đã vạch ra, kỳ vọng rằng, với Đà Lạt, các làng nghề – làng hoa sẽ có cái “bắt tay” với ngành du lịch thắt chặt hơn nữa để cùng phát triển.

 Khắc Dũng

4/5 - (3 bình chọn)


Gửi bình luận của bạn