Hồ Xuân Hương, báu vật xứ hoa Đào
Không mang theo mình một truyền thuyết nhưng với vẻ đẹp hoàn mỹ và ở vào vị trí đặc biệt hồ Xuân Hương được ví như viên ngọc sáng, một báu vật điểm tô cho thành phố ngàn hoa. Dù là cư dân thành phố hay du khách chỉ một lần ghé qua cũng đều mang cảm xúc lắng đọng trước vẻ đẹp nên thơ và quyến rũ của thắng cảnh quốc gia này. Đây là địa chỉ không một du khách nào bỏ qua khi ghé thăm thành phố.
Hồ Xuân Hương là bố cục chính của trung tâm thành phố
Nguyên thuở ban đầu là dòng suối chảy qua đầm lầy và ruộng lúa gần nơi quần cư của một buôn làng người Lạch – một nhóm của người K`Ho, gắn với nguồn gốc tên gọi thành phố Đà Lạt. Năm 1919, theo sáng kiến của Công sứ Cunhac người ta đã chặn dòng để dâng nước thành hồ, qua một số lần tôn tạo xây mới đập nước, năm 1953 hồ được đổi tên từ Hồ Lớn thành Hồ Xuân Hương. Nằm giữa trung tâm thành phố trên độ cao 1478m so với mực nước biển, diện tích mặt nước hiện khoảng 32ha, độ sâu trung bình 1,5m. Từ trên cao nhìn xuống, hồ Xuân Hương tựa vầng trăng khuyết mảnh mai ôm lấy đồi thông xanh ngắt. Hồ Xuân Hương là bố cục chính của trung tâm thành phố, nơi quần tụ của các công trình khách sạn, công cộng. Khoảng trống của hồ tạo được tầm nhìn thoáng đãng tuyệt đẹp với vùng đồi và thông xanh. Đường giao thông bên hồ có đoạn quanh co uốn lượn ẩn khuất dưới tán cây tạo nên cảm giác thư thái cho người ngoạn cảnh và làm cho mặt hồ như rộng lớn hơn. Vừa là thắng cảnh với vẽ đẹp yêu kiều duyên dáng, hồ còn có chức năng điều hòa khí hậu giữ cho không khí luôn mát mẻ, trong lành những buổi trưa hè.

Hồ Xuân Hương thơ mộng
Hồ Xuân Hương được ví như trái tim thành phố Đà Lạt
Một tuyệt tác được tao nên bởi sự hòa quyện giữa quà tặng của thiên nhiên cộng hưởng với lao động sáng tạo của con người. Cho dù là mặt nước lăn tăn in bóng mây trời hay mang nặng phù sa mùa mưa bão; khi hoàng hôn xuống thành phố lung linh soi bóng, mùa xuân mai anh đào khoe sắc hồng rực rỡ hay phượng tím trổ hoa lúc hạ về; buổi sáng tinh mơ làn sương lảng bảng trên hồ, những chiều nắng nhạt thảm vàng trên thành phố, những ngày mưa giăng mắc…cảnh sắc và mặt hồ luôn thay đổi từng mùa nhưng vẫn giữ nét đẹp vĩnh cửu lay động lòng người. Hồ xuân Hương chính là dấu ấn tạo nên nét đặc sắc và hấp dẫn của Đà Lạt .

Chiều tà trên hồ Xuân Hương
Là điểm đến của cư dân thành phố hay du khách tìm sự tĩnh tâm thư thái
Đắm mình vào thiên nhiên, để cảm nhận không khí yên bình thanh thản….Chọn một quán giải khát bên hồ cùng ly cà phê bốc khói sau khi đã rong ruổi khắp các con đường phố núi, giữa không gian tĩnh lặng và lành lạnh nghe âm điệu ngọt ngào“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi”, xa xa là tháp trường Cao đẳng Sư phạm mờ ảo giữa làn sương mỏng manh bỗng thấy cỏ cây hoa lá và con người giao hòa, tâm hồn lắng dịu, bao ưu tư vất vả lo toan thường nhật như tan biến nhường chỗ cho cảm giác thư thái đến lạ kỳ. Thả bộ một vòng quanh hồ vào lúc xế chiều trải nghiệm cảm giác đặc biệt và hít thở khí trời mát lạnh, dõi mắt theo cỗ xe ngựa lóc cóc trên đường, một con ngựa ung dung gặm cỏ ven hồ, cặp khách nước ngoài chơi cùng em bé, những tốp thanh niên tổ chức hoạt ngoài trời hay đạp xe dạo mát, những người đang mải mê sải bước đi bộ,…thấp thoáng những cặp tinh nhân chậm bước dưới những hàng cây. Dừng chân bên một gốc cây già gọi đĩa xắp xắp cay cay, thêm một ly sữa đậu nành bốc khói, nhìn xiên thịt nướng trên lò than tí tách, trong hơi lạnh phảng phất mùi khoai, bắp nướng thơm lừng,…bỗng cảm nhận hương vị ngon tuyệt của những món ăn dân dã bình dị để rồi bất chợt nhận ra một điều là đã bị mê hoặc và cảm giác thôi thúc nhất định phải khám phá món ăn đường phố nơi xứ lạnh.

hồ Xuân Hương vào xuân
Được công nhận thắng cảnh Quốc gia vào năm 1988, Hồ Xuân Hương trải qua gần một thế kỷ vẫn hiện hữu xinh đẹp và quyến rũ như thiếu nữ đang tuổi thanh xuân, được ngợi ca là viên ngọc giữa thành phố Hoa tạo nên sức hút và thương hiệu cho du lịch Đà Lạt.
Khi công trình Quảng trường Lâm Viên và các dự án hạ tầng, môi trường xung quanh hoàn thiện, Hồ Xuân Hương sẽ trở thành trung tâm các hoạt động văn hóa giải trí dành cho người dân và du khách, giá trị của hồ sẽ được nhân lên gấp bội, viên ngọc quý sẽ lấp lánh hơn, sẽ mãi mãi là báu vật của xứ Hoa Đào.
Xuân Thế