Khu di tích khảo cổ Cát Tiên: một Thánh Địa ở Tây Nguyên

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên, còn được gọi với cái tên khác “Thánh Địa Cát Tiên”, được biết đến như một Mỹ Sơn ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, là một Thánh địa Bà La Môn giáo. Nơi đây, lưu giữ bằng chứng về một nền văn hóa đặc sắc cách nay hơn 1000 năm trước.

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên có quy mô rộng lớn, trải dài trên 15km từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn của huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm khu di tích nằm tại địa bàn thôn 1, xã Quảng Ngãi – nơi tập trung dày đặc các phế tích kiến trúc có diện tích khoản 30 ha.

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên được phát hiện năm 1985. Năm 1994, nghĩa là sau 9 năm kể từ khi phát hiện, lần đầu tiên khu di tích này được tiến hành khảo cổ và nghiên cứu. Kết quả khai quật từ 1994 đến 2006 đã phát lộ nhiều kiến trúc đền tháp, mộ tháp, nhà dài, đường đá cổ, máng ước… Ngoài ra, trong quá trình khai quật các nhà khảo cổ còn tìm thấy nơi đây có hơn 1000 hiện vật, gồm nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, sắt, đá quý, gốm, đá, nhiều ngẫu tượng Linga-Yoni, tượng thần Sanesa, Uma, các lá vàng dập nổi hình vị thần, các linh vật thuộc Bà La Môn giáo…

Linga - Yoni

Linga – Yoni

Giá trị lịch sử – văn hóa

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên là một phát hiện lớn của ngành khảo cổ Việt Nam cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Tư liệu khai quật khảo cổ cho thấy văn hóa Cát Tiên có quá trình lịch sử phát triển khá dài: giai đoạn sớm khoảng thế kỷ IV đến VI và giai đoạn muộn từ thế kỷ VII đến X sau Công nguyên.

Tháp cổng - Thánh Địa Cát Tiên

Tháp cổng – Thánh Địa Cát Tiên

Đây là thánh địa ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ giáo – Quá trình phát triển gần gũi với văn hóa Chămpa ở Nam Trung Bộ và văn hóa Óc Eo – hậu Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ. Các yếu tố văn hóa vật chất, như: Gạch, ngói và các loại đồ gốm ( bình, vỏ, vòi Kendi…) có ảnh hưỏng văn hóa Chân Lạp. Các yếu tố văn hóa tinh thần, như: ngẫu tượng Linga – Yoni, hỉnh ảnh các vị thần, các linh vật… có hơi hướng văn hóa Chămpa. Sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng nhận định: “Di tích này có tính “đứng giữa” và “nó là chính nó”.

Di tích khảo cổ Cat Tiên

Di tích khảo cổ Cat Tiên

Một thú vị khác, đó là trải qua hơn 3 thập niên phát hiện và nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra những bằng chứng xác đáng về chủ nhân của thánh địa. Điều đó làm cho Khu di tích khảo cổ Cát Tiên thêm phần bí ẩn và hấp dẫn giới nghiên cứu cũng như du khách.

Tiềm năng du lịch hấp dẫn

Năm 1997, Khu di tích khảo cổ Cát Tiên được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia và năm 2014 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là một vinh dự đối với khu di tích và cũng là một thương hiệu có giá trị trong bản đồ du lịch của khu vực.

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên được tỉnh Lâm Đồng nhận định sẽ là điểm đến mới của ngành du lịch, bởi ngoài những giá trị lịch sử và văn hóa thì vị trí địa lý rất thuận lợi cho các tour du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên tới tham quan.

hiện vật Linga - Yoni Cát Tiên

hiện vật Linga – Yoni Cát Tiên

Từ năm 2011, Ban Quản lý khu di tích đã thực hiện chuơng trình đón khách thử nghiệm, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên có nghiệp vụ để quảng bá, rút kinh nghiệm. Đến nay, khu di tích đã đón hàng ngàn đoàn khách trong và ngoài nước, có năm đón hàng ngàn luợt du khách tới tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu.

Nhằm phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và tham quan của các nhà khoa học và du khách. Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo Di tích khảo cổ Cát Tiên với tổng kinh phí hơn 38 tỉ đồng với các hạng mục như: Quần thể di tích, nhà trưng bày, mô hình nhà sàn, nhà dài… Theo đó, Khu di tích trên sẽ được triển khai xây dựng hệ thống cây xanh, thảm cỏ, cây bụi; lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy, xây cổng, hàng rào, san nền, sân và đường đi trong khu di tích và mua sắm thiết bị trưng bày hiện vật… Và mớiđây, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định đầu tư thêm 3,7 tỉ đồng nâng cấp Khu di tích khảo cổ Cát Tiên thành điểm tham quan, du lịch. Dự kiến các hạng mục công trình trên hoàn thành trước tháng 12/2017, sẽ trở thành một địa chỉ du lịch mới đầy hấp dẫn trên bản đồ du lịch Lâm Đồng.

Trịnh Chu

4.2/5 - (4 bình chọn)


Gửi bình luận của bạn