Lợi thế phát triển du lịch bền vững gắn với nông nghiệp công nghệ cao
Hội thảo Quốc tế “Phát triển nông nghiệp dựa trên nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và du lịch bền vững”, vừa được các Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội của Việt Nam, Lào, Campuchia và Hàn Quốc tổ chức tại Đà Lạt, cho thấy, Đà Lạt – Lâm Đồng hội đủ tất cả mọi yếu tố để gắn kết phát triển du lịch bền vững với NNCNC, nhưng không đơn giản chỉ là vấn đề về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lực, tài chính…
Lâm Đồng đã có những thành công lớn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trong khi các đại biểu đến từ 4 nước Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam vẫn còn đang tranh luận các khung khái niệm về “nông nghiệp công nghệ cao”, “nông nghiệp thông minh”, “nông nghiệp xanh”, “chuỗi giá trị”, hay “du lịch bền vững”… thì Lâm Đồng đã có những thành công lớn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng gấp nhiều lần trước đây, với doanh thu trung bình 135 triệu đồng/ha/năm, có nhiều diện tích cây trồng ứng dụng NNCNC đạt từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng/ha/năm; chè ôlong của Lâm Đồng đạt sản lượng 18 tấn/ha, cao hơn năng suất cao nhất của thế giới (12 tấn/ha)… và mô hình du lịch canh nông đã bước đầu tạo được ấn tượng với du khách, như ở Công ty CP Công nghệ Sinh học BioFresh, Công ty TNHH Organik Đà Lạt…

Phát triển du lịch dựa trên nông nghiệp công nghệ cao
Điều kiện tự nhiên của Lâm Đồng rất thuận lợi cho phát triển đa dạng cây trồng
Cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và kiến trúc độc đáo là tiềm năng để phát triển du lịch bền vững. Sau nhiều năm ứng dụng NNCNC, Lâm Đồng hiện có trên 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh rau, hoa, cà phê, chè, cá nước lạnh và chăn nuôi bò sữa; trong đó, 4 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao. Hàng loạt công nghệ tiên tiến của thế giới đã được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả trong nông nghiệp, như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ kiểm soát dinh dưỡng đất, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ thủy canh, công nghệ sau thu hoạch… Có 16 sản phẩm nông nghiệp được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu, 150 tổ chức và hộ nông dân được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn theo tiêu chẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic… với quy mô trên 2.000ha… Lâm Đồng cũng đang phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản) thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, ngay trong nội ô Đà Lạt có 3 làng hoa truyền thống là Hà Đông, Vạn Thành và Thái Phiên có lịch sử trên 60-70 năm tuổi…
Khác với các quy hoạch phát triển nông thôn dựa vào NNCNC, Lâm Đồng có hẳn một thành phố NNCNC Đà Lạt. Cùng với những cái tên có từ sự ưu ái của du khách: thành phố ngàn hoa, xứ sở rau, thành phố vườn, thành phố sinh thái, thành phố môi trường… là cơ hội rất tốt để mô hình NNCNC và du lịch bền vững chắc chắn thành công ở Đà Lạt – Lâm Đồng. Du lịch bền vững trong phạm vi này về cơ bản được hiểu là hoạt động du lịch mang lại hiệu quả về kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và kết nối văn hóa. Với 4 giai đoạn chính trong chuỗi giá trị nông nghiệp là: nuôi/trồng – thu hoạch – chế biến – cung ứng, mà ở mỗi giai đoạn đều có sự tham gia của công nghệ thông tin, ý thức bảo vệ môi trường và khả năng chống chịu biến đổi khí hậu thì việc lồng ghép phát triển du lịch sẽ tạo nên giá trị tăng thêm trong sản xuất nông nghiệp. Đó là mời du khách đến thăm bất kỳ giai đoạn nào và tham gia tận hưởng, trải nghiệm, mua sắm… ở các giai đoạn đó.
Đà Lạt – lâm Đồng trong chuỗi giá trị nông nghiệp để thu hút du khách
Sự kết nối các giai đoạn trong toàn bộ chuỗi giá trị để đạt đến tăng trưởng xanh đang diễn ra ở các nước phát triển. “Tăng trưởng xanh (theo World Bank) là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này”. Dù còn rất xa, nhưng đang là mục tiêu mà các nước đang phát triển như chúng ta hướng tới. Và Đà Lạt – Lâm Đồng cũng không thể bỏ qua những cơ hội có trong chuỗi giá trị nông nghiệp để thu hút du khách, tăng thêm thu nhập cho người nông dân và có lợi cho cộng đồng… bằng cách kết hợp NNCNC với du lịch qua những dịch vụ, như: xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tại chỗ (bán hàng), cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, làm nông dân… Các nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản đã có những mô hình tuyệt vời khẳng định giá trị của sự gắn kết giữa NNCNC và du lịch bền vững, như: du lịch thăm lúa ở Nhật Bản không chỉ để nhìn ngắm những cánh đồng lúa bát ngát, mà còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật, như bức tranh nữ minh tinh Marilyn Monroe, các loại tranh truyền thống Nhật Bản, hay hình ảnh các nàng Gheisa… được tạo hình từ lúa; đồng thời thưởng thức những sản phẩm làm từ lúa gạo là bánh, cơm, mì…; hay mô hình Làng Thần kỳ tạo nên chuỗi sản xuất – chế biến – cung ứng – quảng bá – ăn uống trong một ngôi làng, du khách có thể vừa tham quan, vừa nghỉ ngơi, vừa trải nghiệm cuộc sống trong không gian có quy mô không lớn, nhưng giá trị không kể hết…
Song song với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch Lâm Đồng được xem là ngành kinh tế động lực, với gần 900 cơ sở lưu trú, trên 14 ngàn phòng, 25 khách sạn từ 3-5 sao, 45 đơn vị kinh doanh lữ hành, 60 điểm tham quan miễn phí là các danh thắng, hồ – thác, di tích quốc gia, kiến trúc nghệ thuật… thuận lợi để phát triển phong phú các loại hình du lịch. Đặc biệt, Lâm Đồng có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang – quy mô hơn 273 ngàn ha, bao trùm hết không gian thành phố Đà Lạt, cùng với trên 110 ngàn ha rừng thông 3 lá và trên 14 ngàn ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Lâm Đồng với định hướng trở thành trung tâm ứng dụng NNCNC của cả nước và khu vực, có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch canh nông, với các mục tiêu đã được khẳng định trong tương lai là trở thành trung tâm rau hoa, trung tâm cà phê Arabica – Robusta, trung tâm chè, trung tâm sản xuất cây giống, trung tâm bò sữa – cá nước lạnh, trung tâm dược liệu… của Việt Nam và khu vực.
Theo Báo Lâm Đồng