Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới ở Đà Lạt
Đến với thành phố Đà Lạt hôm nay, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, ngàn hoa khoe sắc mà còn được thưởng lãm và khám phá một loại hình tài liệu độc đáo, đặc sắc của Việt Nam mang tầm quốc tế đó là mộc bản Triều Nguyễn – di sản tư liệu thế giới.
Mộc bản là gì?
Tài liệu mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến. Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, những điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử…, triều đình đã cho biên soạn và khắc in nhiều bộ chính văn, chính sử để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản. Gỗ dùng làm ván khắc mộc bản là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi “Gỗ dùng làm ván khắc là gỗ cây nha đồng, tục danh là lồng mật, sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi”.
Tài liệu lịch sử của mộc bản
Nơi sản sinh ra tài liệu mộc bản là Quốc Sử quán triều Nguyễn, được thành lập vào năm Minh Mạng thứ nhất 1820; đây là cơ quan công quyền, có nhiệm vụ biên soạn quốc sử, thực lục các triều vua và các sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí…; ngoài ra còn chịu trách nhiệm chuyên môn khảo cứu, san khắc, in ấn mộc bản. Việc biên soạn khá công phu, cẩn trọng trải qua thời gian dài, có những bộ sách được biên soạn kéo dài đến 88 năm mới hoàn thành như bộ sách “Đại Nam Thực lục”.

Mộc bản triều Nguyễn
Trong quá trình san khắc, đều có các viên quan có chức trách cao ở Viện Hàn lâm trông coi nên quá trình san khắc được đảm bảo đúng quy trình. Quá trình biên soạn, san khắc nghiêm ngặt như vậy nên những tác phẩm có tính pháp lý cao nhất, đó cũng là những ván khắc độc bản.
Trong suốt thời gian tồn tại, Quốc Sử quán đã biên soạn nhiều bộ sử có giá trị như “Đại Nam thực lục”,“ Đại Việt sử ký toàn thư”,“Khâm Định Việt sử Thông giám cương mục”,“Đại Nam nhất thống chí”,“Minh Mạng chính yếu”,“Hoàng Việt luật lệ”… Ngoài ra, có nhiều mặt khắc liên quan đến lịch sử văn hóa một số nước trên thế giới như: Mĩ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và một số nước khác. Đặc biệt có những mộc bản khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Khu lưu trữ mộc bản
Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà Nguyễn thành lập Quốc Tử giám, nhà được xây dựng ở phía tây kinh thành, gồm Di luân đường và các dãy nhà Giám. Ngoài chức năng đào tạo, Quốc Tử giám còn tiếp nhận, bảo quản, tu bổ ván in sách được thu chuyển từ Quốc Tử giám (Hà Nội) về lưu trữ tại Quốc Tử giám (Huế) vào hai triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị.
Mộc bản đưa về bảo quản tại nhà Giám, do nhân viên Quốc Tử Giám coi giữ và thường xuyên kiểm tra, xem xét; đồng thời “Cho sinh viên ở quán xét xem những sách công cũ, những chữ in có chữ nào mất nét, ai lầm, cần phải khắc lại”. Qua đó cho thấy việc lưu trữ mộc bản của Quốc Tử giám được thực hiện khá chu đáo, từ khâu thu thập, lưu trữ đến bảo quản, tu bổ và in ấn để phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của nhà trường và xã hội.

Bản trưng bày mộc bản triều Nguyễn
Sau năm 1954, nước ta bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc, ở miền Nam là chế độ Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm làm tổng thống. Ngay sau khi lên nắm quyền, Ngô Đình Diệm đã khởi sự chuyển toàn bộ mộc bản triều Nguyễn từ Huế lên Đà Lạt để bảo quản. Mộc bản khi chuyển từ Huế lên Đà Lạt được lưu trữ tại 3 địa điểm khác nhau, đó là 24 Yersin (tại tầng trệt và tầng hầm); 14 Yersin (tầng hầm của Ngân hàng Quốc gia cũ) và tại số 3 Trần Hưng Đạo. Từ năm 1961 đến 1975, mộc bản được bảo quản tại Chi nhánh Văn khố và Thư viện quốc gia Đà Lạt.
Sau giải phóng, tài liệu mộc bản triều Nguyễn do Sở Lưu trữ Phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý. Từ năm 1976, mộc bản triều Nguyễn được Cục Lưu trữ (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) giao cho Kho Lưu trữ TW II (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia II) quản lý và bảo quản tại Tòa nhà dòng Chúa Cứu thế. Năm 1988, mộc bản được chuyển về khu biệt điện Trần Lệ Xuân (cũ). Từ tháng 8 năm 2006 đến nay, mộc bản triều Nguyễn được giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt) quản lý, bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu mộc bản. Hiện nay, Trung tâm đang bảo quản khối lượng lớn tài liệu mộc bản gồm 34.619 tấm bản gốc với 55.320 mặt khắc. Toàn bộ mộc bản đã được chỉnh lý khoa học, trên 9 chuyên đề như lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, ngôn ngữ văn tự… gồm 152 đầu sách với 1.953 quyển.

Khu trưng bày mộc bản triều Nguyễn
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV được giao tiếp quản toàn bộ khuôn viên biệt điện Trần Lệ Xuân, một thời được mệnh danh là “Đệ nhất trời Nam” – nơi nghỉ dưỡng cuối tuần của vợ chồng ông cố vấn chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ là Ngô Đình Nhu, em trai của tổng thống Ngô Đình Diệm; sử dụng những ngôi biệt thự cũ làm khu trưng tài liệu lưu trữ quốc gia. Khu trưng bày tài liệu mở cửa phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu di sản mộc bản vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy, chủ nhật và những ngày lễ tết; là nguồn sử liệu khá đầy đủ, phong phú và bổ ích để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.
Trần Minh