“Pháo đài xanh” giữa lòng thành phố Đà Lạt
Cánh rừng trải rộng hút tầm mắt, hồ nước mênh mông, trong vắt, những vườn hoa bốn mùa khoe sắc… hình ảnh này đã gây ấn tượng mạnh đối với chúng tôi khi tới thăm Học viện Lục quân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua.
Rừng trong phố Đà Lạt
Điểm cao 1578m so với mực nước biển tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là khu vực đất quốc phòng do Học viện Lục quân quản lý. Vài năm trở lại đây, trong khi nhiều diện tích rừng trong nội ô TP Đà Lạt bị thu hẹp do sự tàn phá của con người thì nơi đây giống như một “pháo đài xanh” vững chắc. Toàn bộ khu vực điểm cao rộng hàng chục héc-ta luôn được bao phủ bởi màu xanh của rừng thông cổ thụ, dưới tán rừng nhiều loài hoa như: Sim, mua, dã thảo, mai anh đào khoe sắc rực rỡ. Đôi khi, khách có thể bắt gặp những chú nai, lợn rừng, thỏ, chồn, sóc… chạy tung tăng trước mặt. Binh nhất Nguyễn Mạnh Minh, một trong 2 chiến sĩ của Học viện Lục quân đảm nhiệm công việc bảo vệ rừng và đất quốc phòng tại điểm cao, tự hào giới thiệu: “Khu vực này giống như một khu bảo tồn thu nhỏ. Ở đây có những loài thực vật đặc hữu của vùng khí hậu ôn đới như: Thông, tùng, trà mi, mai anh đào, sa nhân…”.

chiến sĩ Phòng Đào tạo Học viện Lục quân tuần tra, bảo vệ rừng Đà Lạt
Thiếu tá Nguyễn Kim Thành, Chỉ huy trưởng Trung tâm bảo đảm huấn luyện, Phòng Đào tạo cho biết, đơn vị hiện đang quản lý, bảo vệ khoảng 400ha rừng thông, đây là kiểu rừng đặc trưng của vùng núi Đà Lạt. Những cánh rừng không chỉ góp phần che giấu các công trình quân sự mà còn có tác dụng lưu giữ nguồn nước, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp.
Để có được những cánh rừng rộng lớn và đẹp như tranh vẽ, những năm qua, Học viện Lục quân đã có nhiều giải pháp thiết thực như: Nghiêm cấm hành vi đốt rừng, chặt phá cây xanh; tổ chức đội công tác cắm chốt tại các vị trí, ngày đêm tuần tra, canh gác nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi phá rừng, xâm phạm đất quốc phòng; thường xuyên tổ chức các đợt ra quân trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc; phát dọn, đốt thực bì vào mùa khô nhằm phòng, chống cháy rừng; tích cực tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương nâng cao nhận thức về vai trò của rừng, từ đó thêm yêu quý, tham gia bảo vệ rừng.
Hoa nở trên bãi mìn
Cách đây vài năm, xung quanh học viện có một số khu vực khá hoang vu, rậm rạp cùng với nhiều biển cảnh báo nguy hiểm, Đại tá Trịnh Hùng Vương, Trưởng phòng Hậu cần Học viện Lục quân cho biết: “Các khu vực này vốn là bãi mìn do địch để lại từ thời chiến tranh. Trước đây, do chưa có điều kiện dò gỡ nên một số vụ tai nạn bom, mìn đối với người và vật nuôi đã xảy ra. Vừa qua, khi tiến hành dò gỡ, chúng tôi đã thu được gần nửa tấn mìn và đạn cối”.
Song song với việc lôi “thần chết” từ lòng đất lên, Học viện Lục quân đã tổ chức cho bộ đội phát dọn, san lấp mặt bằng, nạo vét, mở rộng hồ nước, trồng thêm cây xanh, trồng cỏ, hoa tươi… qua đó biến những bãi mìn rộng khoảng 2ha thành các vườn hoa, hồ nước, vườn tăng gia, khu cắm trại khang trang, sạch đẹp.
Từ năm 2012 trở lại đây, từ nguồn ngân sách cấp trên và tự có của đơn vị, học viện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo hệ thống giảng đường, nơi ăn; ở, làm việc của cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ; nâng cấp hơn 4km đường nội bộ, đầu tư xây dựng mà máy xử lý nước sạch công suất 1000m3 ngày/đêm góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sạch cho bộ đội và tiết kiệm cho Nhà nước mỗi năm gần 2 tỷ đồng, thành lập khu chăn nuôi, trạm chế biến tập trung, vườn rau công nghệ cao, phối hợp với Công ty vệ sinh môi trường TP Đà Lạt thu gom, xử rác thải, xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống pa-nô tuyên truyền…
Kết quả công tác xây dựng, bảo vệ môi trường không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ mà còn là bài học thực tiễn sinh động để học viên áp dụng sau khi trở về đơn vị. Chia sẻ bí quyết dẫn tới thành công, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Giám đốc Học viện Lục quân khẳng định: “Quá trình thực hiện, Đảng ủy, Ban giám đốc và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong học viện luôn quán triệt, vận dụng có hiệu quả nghị quyết của Quân ủy Trung ương về công tác môi trường; thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ. Tổ chức tốt các phong trào “Xây dựng đơn vị chính quy, xanh-sạch-đẹp”… Học viện đề cao tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên và các đơn vị kết nghĩa… trong cải tạo, giữ gìn và bảo vệ môi trường”.
Vũ Đình Đông