Thăm bảo tàng cổ vật ở thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt
Thiền viện Vạn Hạnh tọa lạc tại phường 8, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ lâu là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách. Đến đây, ngoài việc đắm mình trong không gian thiền tĩnh lặng, chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca lộ thiên Niêm hoa vi tiếu cao 24m, du khách còn được ngắm nhìn những cổ vật độc đáo có độ tuổi hàng trăm năm.
Bén duyên cổ vật từ chuyến đi từ thiện
Ấn tượng nhất của du khách đến với Thiền viện Vạn Hạnh có lẽ là những cổ vật được xếp gọn gàng và tỉ mỉ bên trong Bảo tàng Văn hóa Phật giáo và Dân tộc. Chính thức mở cửa cho du khách thưởng ngoạn từ năm 2010, người sáng lập đồng thời chủ nhân của những cổ vật quý hiếm ấy chính là Thượng tọa Viện chủ Thiền viện Thích Viên Thanh. Trong không gian chừng khoảng 200m – nơi để các gian trưng bày của gần 8.000 cổ vật được Thượng tọa dày công sưu tầm suốt 40 năm qua. Các hiện vật chủ yếu có nguồn gốc từ văn hóa Phật giáo, đời sống nông nghiệp và nền văn minh lúa nước của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.Trong vô số các cổ vật nơi đây, có lẽ gian trưng bày được đánh giá là quý nhất và được các tín đồ Phật giáo quan tâm là các tượng Phật và pháp khí được đặt trang nghiêm trong lồng kính từ thế kỷ 19. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vừa giải thích về nguồn gốc của các cổ vật, Thầy Viên Thanh cho biết:“Cơ duyên của tôi đến với cổ vật rất tình cờ, trong 1 lần đi làm từ thiện tại huyện Lâm Hà, tôi thấy chiếc cối đá vứt sau vườn nhà của một người dân. Sau khi xem qua tôi xin về làm kỷ niệm. Chính những nét đẹp thô sơ của chiếc cối đã “hút hồn” tôi và đó là mối lương duyên đưa tôi đến với đồ cổ cho đến bây giờ”.

Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt
Bên cạnh những cổ vật văn hóa Phật giáo gắn với những giá trị tâm linh đặc sắc, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo và Dân tộc tại Thiền viện Vạn Hạnh còn là nơi lưu giữ hàng ngàn vật dụng như mâm đồng, chiêng, máy đánh chữ, máy khâu, máy may, đèn dầu, máy hát nhạc, tượng cổ các bậc vĩ nhân…, có tuổi đời từ 30 đến 100 năm. Đặc biệt trong bộ sưu tập đồ sộ còn có những chiếc chóe cổ hết sức quen thuộc đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Chính sự đa dạng và phong phú của cổ vật đã góp thêm phần sinh động đồng thời nó cũng in đậm nét đẹp dân dã đời thường nơi cửa thiền tôn nghiêm.

Bảo tàng cổ vật của thiền viện
Hướng đến giá trị nhân văn
Thích thú và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đó có lẽ là tâm trạng chung cho những ai đã một lần đặt chân đến Bảo tàng Văn hóa Phật giáo và Dân tộc tại Thiền viện Vạn Hạnh Đà Lạt. Nếu như các bức tượng Phật, tượng các bậc vĩ nhân vốn dĩ gắn liền với những giai thoại đậm màu sắc tôn kính thì bảo tàng của Thiền viện còn là nơi cất giữ của những vật dụng hết sức đời thường và dân dã. Đó có thể là những chiếc ti vi đen trắng từ thập niên 90, có thể là chiếc đèn dầu và những chiếc điện thoại còn thô sơ và giản dị. Để tạo điểm nhấn, trong khuôn viên Bảo tàng, Thượng tọa Viên Thanh còn dành một khoảng nhỏ làm nơi trưng bày những hiện vật gắn với đời sống của người dân lao động. Những chiếc máy tuốt lúa, máy quạt lúa, các nông cụ như: Cuốc, cày, nơm, vó, những chiếc gùi đã nhuốm màu thời gian…, đều được chủ nhân của nó bày biện khá tỉ mẩn và chi tiết. Trong câu chuyện của mình Thượng tọa Viên Thanh bộc bạch:“Cuộc sống hiện đại đã đưa con người tiếp cận với những vật dụng tân tiến. Bảo tàng chính là nơi để mọi người nhìn lại quá khứ, đặc biệt là để thế hệ trẻ biết được đời sống của ông cha mình ngày trước như thế nào, đó chính là giá trị nhân văn của việc trưng bày các hiện vật ở đây”. Như để minh chứng thêm cho mục đích ấy, Thượng tọa Viên Thanh đã cho trưng bày nhiều nồi đồng, cối đá, những cái cân, xe đạp nước – những hiện vật không thể thiếu của đời sống người nông dân cách đây mấy mươi năm về trước. Trong số những vật dụng gần gũi ấy, nồi đồng có lẽ là hiện vật được Thượng tọa tâm đắc nhất: “ Bây giờ người ta dùng nồi điện, bếp từ rồi cho nên rất nhiều bạn trẻ chưa được biết nồi đồng như thế nào. Có những cái nồi được người dân dùng để đựng thức ăn nhưng cũng có cái để nấu cơm.Tôi muốn giữ lại những đồ vật này cho thế hệ mai sau”.Thượng tọaThích Viên Thanh trải lòng về những cổ vật của mình như thế.

Bộ sưu tập cồng chiêng
Để có được những hiện vật trưng bày, Thượng tọa Viên Thanh đã đi đến tận những vùng sâu, vùng xa để sưu tầm và mua lại các cổ vật. Dù bận nhiều công việc nhưng khi có người giới thiệu là ông lập tức lên đường tìm kiếm, có khi phải đi lại đến 2, 3 lần thì họ mới chịu bán. Riêng đối với bộ sưu tập cối đá thì Thượng tọa Viên Thanh phải đích thân đi sưu tầm từ các tỉnh miền Trung như: Quảng Trị, Huế, Phú Yên, Quảng Ngãi… Chưa phải là đầy đủ nhưng những hiện vật trưng bày tại Thiền viện Vạn Hạnh đã phần nào giúp du khách hiểu thêm về đời sống và những nét văn hóa của người xưa để lại. “Những vật dụng tại bảo tàng này giúp tôi biết thêm về lịch sử, tôn giáo đặc biệt là những đồ vật gắn bó cuộc sống của người nông dân ngày xưa. Điều mà trước đây tôi chưa hề biết”. Chị Vân Hương – khách du lịch đến từ Vũng Tàu chia sẻ.
Đến với không gian của chốn thiền môn được biết thêm những giá trị văn hóa đặc sắc qua từng thời kỳ, điều này đã để lại một ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến với Thiền viện Vạn Hạnh. Nơi đây không chỉ là điểm dừng chân lý thú của du khách mà nó còn tạo sự đa dạng về tuyến điểm du lịch đặc biệt là du lịch tâm linh và hoài cổ nơi thành phố hoa.