Tiềm năng phát triển du lịch Nam Ban kết nối với Đà Lạt

Trên cung đường qua đèo Tà Nung nối thành phố Đà Lạt với thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà – Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 30km), không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy của “Tây balo” rong ruổi trên đường. Những năm gần đây, với những lợi thế có được về tự nhiên và làng nghề, Nam Ban đang có những điều kiện để phát triển du lịch, hàng năm thu hút một lượng lớn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan, khám phá. Cùng với cây cà phê, rau – hoa công nghệ cao, cây dâu – con tằm, thị trấn Nam Ban đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và chờ đợi cú chuyển mình từ thế mạnh này. 

Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch địa phương

Nghề ươm tơ dệt lụa là một thế mạnh để Nam Ban phát triển du lịch

Nghề ươm tơ dệt lụa là một thế mạnh để Nam Ban phát triển du lịch

Hiện, sản phẩm du lịch nổi bật nhất của thị trấn Nam Ban là các làng nghề, với hai làng trồng dâu nuôi tằm được công nhận làng nghề truyền thống là Đông Anh 3 và Đông Anh 5. Thị trấn Nam Ban hiện có tới 60% dân số trồng dâu nuôi tằm, vừa làm kinh tế, vừa trở thành nơi tham quan góp phần thu hút nhiều du khách. Bên cạnh đó, nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống của miền Bắc cũng được cơ sở Cường Hoàn silk đưa vào hoạt động – trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhiều khách nước ngoài đến tham quan.

Chị Daniel – du khách đến từ Đức – tỏ ra hào hứng sau khi một mình một xe vượt qua 10 km đường đèo khúc khuỷu và được tận mắt chứng kiến quá trình kéo tơ dệt lụa: “Điều khiến chúng tôi thấy thú vị là được tìm hiểu quy trình sản xuất ra các sản phẩm lụa bằng phương pháp thủ công truyền thống chứ không phải công nghiệp như thường thấy. Điều này thấy sự rất khác biệt”.

Du khách tham quan nhà máy dệt lụa tơ tằm

Du khách tham quan nhà máy dệt lụa tơ tằm

Cùng với nghề trồng dâu nuôi tằm, Nam Ban còn có làng nghề đan lát tại chân dốc Mê Linh hay các hộ trồng nấm mèo, các trại nuôi dế cũng khiến du khách cảm thấy thích thú. Bên cạnh đó, Nam Ban còn có thác Voi, với tên gọi khác là Liêng Rơwoa, nằm cách Đà Lạt khoảng 25 km hiện đã được Công ty Du lịch Dalat Discovery khai thác và đưa vào hoạt động. Cảnh núi non hùng vĩ và sự thử thách của cung đèo Tà Nung, cũng như cảnh quan thác Voi hoang sơ cũng có giá trị rất lớn trong việc thu hút du khách khám phá.

Du lịch hiện tại và hướng đi cho tương lai

Theo thống kê từ UBND thị trấn, trung bình mỗi tháng có từ 1.200 đến 1.600 lượt khách du lịch đến với Nam Ban. Trong 6 tháng đầu năm, thị trấn có khoảng 7.500 lượt khách nước ngoài đến địa phương (tăng 2.000 lượt khách so với cùng kỳ năm 2016), cơ bản là khách du lịch đi về trong ngày.

Ông Hoàng Ngọc Trọng, Phó Chủ tịch thị trấn nhận định: “Thực tế, với lượng khách đến tham quan tăng lên theo từng tháng, du lịch đang mang lại cho thị trấn Nam Ban nhiều lợi ích. Thứ nhất là góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa và truyền thống của địa phương; Thứ hai là tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Các làng nghề vừa trở thành nơi thăm thú cho du khách, vừa tạo thêm thu nhập cho người nông dân trong thời gian nông nhàn. Với đà phát triển như thế này thì chắc chắn du lịch – dịch vụ sẽ còn phát triển mạnh trong cơ cấu kinh tế – xã hội của địa phương”.

Du khách tham quan trang trại nuôi dế

Du khách tham quan trang trại nuôi dế

Ðẩy mạnh cơ sở hạ tầng du lịch

Cũng theo ông Hoàng Ngọc Trọng, Nam Ban có những tiền đề thuận lợi để phát triển du lịch, tuy nhiên chưa thu hút được khách du lịch lưu trú qua đêm.

Lý giải về điều này, ông Trọng đưa ra 2 nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất, khoảng cách giữa thị trấn Nam Ban và thành phố Đà Lạt rất gần. Chính vì vậy, du khách có thể tranh thủ đi về trong ngày, buổi sáng vượt đèo tham quan làng nghề còn buổi tối trở lại thành phố để cảm nhận cuộc sống về đêm. Thứ hai, hiện thị trấn Nam Ban chưa có khu vui chơi đáp ứng nhu cầu tham quan, đi dạo vào ban đêm cho khách nên không thể “níu” khách lưu trú qua đêm – Đây chính là cái thiếu lớn nhất, đồng thời khó giải quyết nhất đối với sự phát triển du lịch của địa phương. Bởi để hình thành được một khu vui chơi ban đêm cho du khách thì cần có nhiều điều kiện mà địa phương chưa thể đáp ứng được…

Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn – cơ sở lưu trú chưa nhiều và chưa đủ chuyên nghiệp cũng gây khó khăn trong việc đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc quảng bá hình ảnh các sản phẩm du lịch của thị trấn Nam Ban trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng còn hạn chế.

Đại diện cơ sở Lụa Cường Hoàn chia sẻ: “Có những ngày, cơ sở đón cả chục đoàn du khách nước ngoài đến tham quan. Tuy nhiên, do thời gian tham quan trong ngày nên nhiều du khách không có thời gian tìm hiểu kỹ toàn bộ quy trình ươm tơ dệt lụa như mong muốn. Điều này gây nhiều tiếc nuối cho khách”.

Trong Nghị quyết hàng năm, thị trấn Nam Ban vẫn xác định tạo điều kiện cho các ngành nghề phục vụ du lịch phát triển, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng thương mại – dịch vụ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hướng tới việc xây dựng môi trường cho du lịch phát triển, ông Hoàng Ngọc Trọng cho biết: “Với lợi thế là nơi tụ hội văn hóa ba miền với những CLB dân ca quan họ Bắc Bộ, hát chèo, dân ca Nam bộ…, sắp tới, Nam Ban còn hướng tới việc tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ du khách, tạo thêm điểm thu hút đối với du khách nước ngoài. Đồng thời đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng, khắc phục những hạn chế nhằm phục vụ tốt hơn cho khách du lịch trong thời gian tới.”.

Việt Quỳnh

4.5/5 - (2 bình chọn)


Gửi bình luận của bạn