Trang trại dế phục vụ ngành du lịch Đà Lạt

Đang là sinh viên Khoa Ngoại ngữ – Trường Đại học Đà Lạt nhưng cái nghèo đã ngăn cản ước mơ giảng đường của chàng trai trẻ Nguyễn Quang Huy. Thế nhưng, vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống, anh đã tìm ra cho mình một hướng đi mới. Sau nhiều năm sống cùng dế, ăn cùng dế, ở cùng dế, giờ đây, Huy đã trở thành ông chủ của một trại nuôi dế được đông đảo khách du lịch biết đến.

Nghỉ học về … nuôi dế

Trời Tây Nguyên một ngày đầu tháng 7, cơn mưa chiều không hẹn trước đã dẫn lối chúng tôi đến thăm trại dế Thiện An của chàng trai trẻ Nguyễn Quang Huy tại thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Trong khuôn viên chưa đầy 500m nhưng người chủ của cơ sở này đã xây hơn 20 cái chuồng lớn, nhỏ để nuôi dế. Giữa âm thanh râm ran của hàng ngàn con dế, Huy đã trải lòng về những tháng ngày cơ cực khi chọn cho mình một nghề “độc” và “lạ” trên vùng đất này. Ngày đó, trước khi trở thành một người nuôi dế, Huy là sinh viên Khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Đà Lạt. Đang học năm thứ 2 thì Huy phải bảo lưu kết quả vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Anh làm đủ thứ việc, sau khi tích lũy được một ít vốn, Nguyễn Quang Huy lại tiếp tục đến trường và nuôi hy vọng trở thành một một hướng dẫn viên du lịch trong tương lai. Tuy nhiên, trở lại trường chưa được bao lâu thì gia đình Huy lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Vậy là một lần nữa, chàng trai đến từ miền quê nghèo Thanh Hóa phải bỏ lửng giấc mơ của mình…

trang trại dế Đà Lạt

trang trại dế Đà Lạt

Rời ghế giảng đường trở về nhà, Huy đã không nề hà công việc gì, nhưng cái tính chăm lam, chăm làm vẫn chưa giúp Huy thoát ra được cái nghèo khó, túng quẫn. Trong lúc chưa tìm được lối thoát để lập nghiệp thì ý tưởng nuôi dế đã xuất hiện hết sức tình cờ: “Một lần thấy mấy đứa trẻ quanh xóm xem đá dế, trong đầu mình lóe ra ý nghĩ: Tại sao mình không nuôi dế? Thế là nghề nuôi dế đã gắn chặt với mình từ đó cho đến tận giờ”, chủ trại dế Nguyễn Quang Huy trải lòng.

Đưa dế vào kinh doanh du lịch

Sau khi có ý tưởng, Nguyễn Quang Huy bắt tay vào quá trình nuôi dế. Để nắm bắt kỹ thuật, Huy tìm tòi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Lúc đầu, Huy bắt dế ở quanh vườn nhà và mua dế của đám trẻ con trong xóm về nuôi trong các rọ tre và chậu nhựa. Hằng ngày, ngoài việc theo dõi chu kỳ phát triển của dế, Huy còn tự mình cắt cỏ và chế biến tức ăn cho dế. Tuy nhiên, dế hoang khi đưa vào nuôi, không hợp môi trường nên thường bị chết. “Đã có lúc nản quá định buông nhưng được mọi người động viên nên mình phải cố gắng”, Quang Huy nói về những ngày “sống cùng dế” của mình như thế.

Du khách thích thú tham quan trang trại nuôi dế

Sau một thời gian “vật lộn” với việc nuôi dế nhà, Huy quyết định xuống tận Thành phố Hồ Chí Minh để học cách nuôi dế thương phẩm. Qua quá trình cần mẫn học hỏi kinh nghiệm, Huy đã nắm bắt tốt các quá trình nuôi dế. Năm 2012, khi tích lũy được một ít vốn cùng với sự hỗ trợ từ người thân, chàng trai sinh năm 1983 đã mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để nuôi dế một cách bài bản. Nhờ kinh nghiệm từ mô hình nuôi dế nhà, cộng với những kiến thức học được từ cách nuôi dế thương phẩm, Huy đã tiến hành nuôi dế chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, mỗi lứa trại dế Thiện Ân bán ra thị trường khoảng 30kg. Với giá bình quân hơn 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí Huy thu được khoảng 6 triệu đồng. Sản phẩm dế của trang trại Thiện An chủ yếu là bán cho các nhà hàng tại Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung…

Không chỉ phát triển kinh tế bằng hình thức nuôi dế, giờ đây trại dế Thiện An của gia đình Quang Huy đã trở thành một địa chỉ tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước. Nguyễn Quang Huy cho biết: ngoài khách Việt thì đến tham quan trại dế của mình chủ yếu là khách đến từ các nước như: Pháp, Ý, Đức và Nga. Với vốn kiến thức ngoại ngữ đã học từ trước, du khách đến với cơ sở Thiện An được đích thân Huy hướng dẫn và giới thiệu về mô hình nuôi dế của mình. Bên cạnh việc tham quan, tìm hiểu về loài dế, khách còn được chủ trại khuyến mãi thêm những đĩa dế chiên giòn tan. Theo chủ trại dế Nguyễn Quang Huy thì: “Lúc đầu khách nước ngoài còn e ngại với sản phẩm được chế biến từ dế, tuy nhiên khi nghe mình giải thích rõ ràng thì họ lại hào hứng với loài vật này. Ngày cao điểm, trại dế của mình đón cả chục nhóm khách quốc tế đến tham quan”.

Cùng với những điểm du lịch nổi tiếng khác ở huyện Lâm Hà như: Thác Voi, cơ sở lụa Cường Hoàn thì mô hình nuôi dế của cơ sở Thiện An đã khẳng định được một cách làm du lịch mới, lạ. Đây là một hướng đi độc đáo, qua đó góp phần quảng bá những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn của du lịch Lâm Đồng đến với du khách trong và ngoài nước.

Thành Nam

3.5/5 - (4 bình chọn)


Gửi bình luận của bạn