Vấn vương nghề dệt thổ cẩm tại Đà Lạt

Chúng tôi về làng nghề dệt thổ cẩm K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng vào lúc cơn mưa rừng đến rồi đi bất chợt. Dù không phải là mùa cao điểm nhưng ngay từ đầu ngõ, từng đoàn xe chở khách du lịch vẫn tìm đến ngôi làng nhỏ này một cách nhộn nhịp. Có lẽ đối với du khách câu chuyện về nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn là đề tài thu hút, lạ lẫm, độc đáo và có cái gì đó xốn xang ngay giữa miền cao nguyên Đà Lạt huyền thoại.

Đối vối người K’Ho, nghề dệt được xem là “tiêu chí” của người phụ nữ khi muốn lập gia đình

Chiều K’Long mưa không nặng hạt, xa xa núi Voi ngái ngủ trong tầng mây. Vừa đến đầu thôn, một tốp khách du lịch người Nga dừng chân ngay tại các gian hàng thổ cẩm. Chị Ka Đông – người phụ nữ có thâm niên hơn 20 năm trong nghề vừa dệt thổ cẩm vừa đon đả bằng những câu tiếng anh “ngọt xớt”: “Hi! Where are you from? Can I help you?…”. Cứ như thế, vừa cầm những chiếc khăn, túi xách do chính mình làm ra, chị Ka Đông liên tục cuộc hội thoại và nhận được những đáp từ đắc ý từ các vị khách đến từ trời Âu. Trong mạch cảm xúc ấy chị chia sẻ vổi chúng tôi: du khách đến vổi thôn mình ngoài việc nghe kể về những luật tục của người bản địa, truyền thuyết về câu chuyện gà chín cựa thì nghề dệt thổ cẩm vẫn là nguồn mạch bất tận đối vối họ. Theo chị, nghề dệt thổ cẩm của thôn K’Long có từ xa xưa. Đối vối người K’Ho, nghề dệt được xem là “tiêu chí” của người phụ nữ khi muốn lập gia đình. Do đó dù không phải là thời “hoàng kim”, nhưng hiện tại thôn K’Long vẫn còn 20 khung dệt và còn những người phụ nữ đam mê với nghề này.

Dệt thổ cẩm ở K'Long

Dệt thổ cẩm ở K’Long

Người phụ nữ thôn K Long đã gửi bao tâm tư, tình cảm của mình thông qua những sản phẩm

Trong cái nhẹ nhàng từ tốn, những người phụ nữ thôn K Long đã gửi bao tâm tư, tình cảm của mình thông qua những sản phẩm như áo, váy, khăn choàng, túi xách với những họa tiết bắt mắt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khung dệt thổ cẩm của người K’Ho được làm bằng tre, gỗ và dùng cho một người làm, thường không được đặt cố định. Hoa văn trên sản phẩm dệt là các hình thoi, các đường viền đốn giản nhưng đẹp. Màu sắc chủ đạo là màu đen và xanh đen. Tùy vào chất liệu và độ tỉ mẫn trong khâu trang trí hoa văn mà giá của mỗi sản phẩm có sự khác biệt nhau. Có chiếc khăn chỉ vài chục ngàn đồng nhưng cũng có những chiếc khăn được bán với giá cả triệu đồng. Qua nhiều năm gắn bó, nghề dệt thổ cẩm giờ đây đã “ngấm” vào chị Ka Đông như một sự mặc định của cuộc đời. Vừa làm việc nhưng chị vẫn không quên giải thích cho chúng tôi về những ưu điểm mà sản phẩm dệt truyền thống của ngưòi dân quê mình: “Khách du lịch đến với thôn K’Long thì nhiều lắm, mùa cao điểm lên tối 4, 5 đoàn. Xe máy có, ô tô có. Sau khi cho họ biết các công đoạn của phương pháp dệt thổ cẩm truyền thống thì minh phải giải thích những ưu điểm của những sản phẩm này”. Theo chị Ka Đông: “sản phẩm của nghề dệt thủ công truyền thống như váy, áo, khăn… thường bền, chắc, dày và thoáng mát. Mình dệt để bán cho khách du lịch và làm theo đơn đặt hàng của các khu du lịch trong và ngoài tỉnh”.

Sản phẩm dệt được bày bán cho du khách

Sản phẩm dệt được bày bán cho du khách

Chiều tàn, mặt trời trườn về phía núi. Đâu đó văng vẳng tiếng cười nói của du khách khi ghé thăm thôn K’Long. Sau khi dạo quanh một vòng để tìm hiểu về nghề dệt, những phong tục tập quán của người bản địa, điều tâm đắc nhất là họ được sở hữu những sản phẩm hết sức kỳ công của người dân nơi đây. Lần đầu đến thăm thôn K’Long huyền thoại, vùng đất này đã cho anh Sann Tovk – một du khách đến từ nước Nga những trải nghiệm thú vị: ” Biết được các công đoạn của nghề dệt truyền thống, thấy được những dụng cụ thô sơ và sự kiên trì của người phụ nữ bản địa nơi đây thật là một điều tuyệt vời. Tôi mua một cái túi bọc điện thoại và một chiếc khăn về làm kỷ niệm”.

Chiều cạn dần, mây là đà giăng núi. Thôn K’Long bình yên với nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng đang làm nao lòng du khách. Từng đôi tay bên khung dệt lúc thoăn thoắt có lúc nhẹ nhàng, thanh thoát đến lạ kỳ. Chỉ vậy thôi mà khi xa rồi ai cũng phải nhớ, phải miên man, dùng dằng như câu hát ngọt ngào mà đẫm tình mời gọi “đến Cao Nguyên người ơi, người ở đừng về”…

Thành Nam

5/5 - (1 bình chọn)

,

Gửi bình luận của bạn