Vùng đất cổ Lâm Đồng với con đường gốm sứ thương mại

Nơi hội tụ của các dòng gốm sứ

Qua các cuộc khai quật khảo cổ học tại các di chỉ mộ táng Đại Làng, Đại Lào và Đạ Đờn…, hiện nay, bảo tàng Lâm Đồng – Đà Lạt đang lưu giữ những bộ sưu tập gốm sứ đồ sộ với hơn 3000 hiện vật đang thu hút sự chú ý của khách du lịch, chưa kể bảo tàng Lâm Đồng còn thu từ các nguồn buôn bán đồ cổ hơn 400 hiện vật gốm sứ các loại. Và có thể có nhiều di tích khác mà chúng ta chưa phát hiện hoặc đã vĩnh viễn bị phá hủy, chắc hẳn những thất thoát này chiếm một con số không nhỏ.

Phổ biến là gốm sứ của Gò Sành

Trong các sưu tập trên, các loại gốm sứ đến từ nhiều nguồn khác nhau. Tập trung nhất là loại gốm có nguồn gốc từ trung tâm gốm sứ miền Trung Việt Nam (Gò Sành, Bình Định), đã phát triển cực thịnh vào thế kỷ XV-XVI.

Sản phẩm của trung tâm gốm sứ này đã đến được nhiều vùng khác nhau trong khu vực. Trên mảnh đất Lâm Đồng, gốm sứ có nguồn gốc từ trung tâm gốm sứ miền Trung chiếm khoảng 70% trên tổng số, với nhiều loại hình khác nhau như tô, bát, đĩa, cốc, âu, chum, chóe, bình… Hoa văn trang trí chủ đề chính là hoa lá, đặc biệt là các loại hoa dây.

Gốm sứ cổ trưng bày tại bảo tàng Lâm Đồng

Gốm sứ cổ trưng bày tại bảo tàng Lâm Đồng

Tiếp theo là gốm sứ Minh (Trung Quốc), thế kỷ XV-XVI.

Đa số là men ngọc, gốm hoa lam, gốm bạch định và gốm tam thái… gồm các loại hình như đĩa, tô, lọ, bình hoa, chum… Đây là những sản phẩm được sản xuất từ các lò gốm nổi tiếng của Trung Hoa như Cảnh Đức Trấn, Long Tuyền (Triết Giang), Tuyền Châu (Phúc Kiến). Bên cạnh đó, còn có nhiều loại gốm dân dụng như bát, chóe loại nhỏ được sản xuất từ các lò địa phương ở miền Nam Trung Hoa.

Trên đồ gốm này có đủ loại hoa văn với các chủ đề như “Hoa – điểu” (hoa – chim) hoặc “liên – áp” (sen – vịt); “ Sư tử hí cầu” (sư tử đùa với quả cầu);  “ lý ngư” (cá chép). Gốm từ nguồn này chiếm 20% trên toàn sưu tập.

Tỷ lệ nhỏ gốm sứ miền Bắc

Chiếm tỷ lệ ít hơn, khoảng 10%, là các loại gốm có nguồn gốc từ trung tâm gốm sứ miền Bắc Việt Nam như Chu Đậu (Hải Hưng), có niên đại thế kỷ XV-XVI; gốm Kh’mer có niên đại từ thế kỷ XII- XIII và gốm Thái Lan (từ các lò gốm Sukhothai, Savankhalok), có niên đại từ thế kỷ XVI-XVII; đặc biệt là loại gốm HiZen(Imari, Nhật Bản), có niên đại giữa thế kỷ XVII.

Chu Đậu là một trung tâm gốm sứ phát triển cực mạnh vào khoảng thế kỷ XV-XVI, là một thương phần có uy tín trên thương trường châu Á. Trong sưu tập gốm sứ Lâm Đồng, dòng gốm này gồm các loại như bình có vòi, các loại tô, bát chân cao, đĩa có trang trí hình cánh sen…

Đồ gốm sứ ở bảo tàng Lâm Đồng - Đà Lạt

Đồ gốm sứ ở bảo tàng Lâm Đồng – Đà Lạt

Gốm Kh’mer có trên địa bàn Lâm Đồng chủ yếu là các loại chum, chóe lớn mem màu nâu đen, văn khắc chìm sóng nước hoặc hình gân lá. Có lẽ gốm Kh’mer đến với vùng đất Lâm Đồng từ rất sớm, bởi không chỉ vì sản phẩm được người sử dụng ưa chuộng mà còn do sự thuận lợi về giao thông.

Gốm Thái Lan thực sự phát triển mạnh vào thời kỳ Sukhothai và tham gia vào thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Philippine, vùng Trung Đông, Trung Hoa,… Gốm Thái có mặt tại Lâm Đồng gồm các loại tô, đĩa sâu lòng được sản xuất từ lò Savankhalok và Sukhothai. Hoa văn được khắc chìm dưới men gồm những chỉ tròn đồng tâm hoặc các hình búp sen.

Gốm sứ Hizen phát triển vào đầu thế kỷ thứ XVII, và đã vươn lên chiếm thị phần rất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philipine, Indonesia… Tại Lâm Đồng đã phát hiện được các loại tô, đĩa có niên đại từ 1620-1650.

Con đường gốm sứ thương mại trên vùng đất Lâm Đồng

Sự hiện diện đầy đủ các loại hình gốm sứ của các trung tâm gốm sứ nổi tiếng đã cho thấy Lâm Đồng là điểm thu hút khá mạnh các loại gốm sứ và là một thị phần quan trọng trên con đường gốm sứ thương mại ở khu vực châu Á.

Có thể nói rằng, một mạng lưới thương mại đã thiết lập chặt chẽ giữa hai miền xuôi – ngược và nền kinh tế hàng hóa có tính xuất nhập khẩu đã phát triển mạnh tại vùng đất này vào thế kỷ XV-XVIII. Theo PGS. TS Bùi Chí Hoàng, có khả năng gốm Bắc Việt Nam, gốm Trung Hoa, gốm Hizen đến Lâm Đồng trong những thế kỷ XV-XVI bằng con đường hàng hải biển Đông thông qua thương cảng Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Quy Nhơn) cùng với gốm của trung tâm gốm sứ miền Trung (Gò Sành, Bình Định) tiếp tục bằng đường bộ để đến Lâm Đồng qua sự trung chuyển của các thương nhân Chămpa.

Còn đối với đồ gốm Kh’mer, Thái Lan có thể xuôi dòng Mekong, ngược dòng Đồng Nai để đến Lâm Đồng. Rõ ràng trong giai đoạn phát triển rực rỡ của gốm sứ các nước, con đường gốm sứ thương mại như nối dài thêm và Lâm Đồng là một chặng đường cực kỳ quan trọng. Vùng đất Lâm Đồng có thể coi là vùng đất sôi động về các hoạt động kinh tế – thương mại, nó phản ánh về khu vực của một cộng đồng cư dân đã có trình độ phát triển khá cao trong quá trình giao thương giữa Lâm Đồng và các vùng khác từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX.

Thanh Binh

4/5 - (1 bình chọn)


Gửi bình luận của bạn