Nghề rèn truyền thống của người Mạ ở Lâm Đồng

Người Mạ là một trong những cư dân bản địa của tỉnh Lâm Đồng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đời sống kinh tế của họ không ngừng đổi thay và phát triển, bên cạnh đó, bản sắc văn hoá đã định hình và tạo nét riêng biệt độc đáo, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hoá Việt Nam. Người Mạ trước đây sống du canh, du cư, kinh tế chủ đạo là phát nương làm rẫy, ngoài ra còn có các hoạt động kinh tế như: chăn nuôi, trồng trọt và săn bắn, hái lượm cũng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của họ. Để đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất và nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó phải kể đến nghề rèn của người Mạ.

Nghề rèn truyền thống của người Mạ

Nghề rèn truyền thống của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ khá phát triển và đóng góp vai trò quan trọng trong đời sống của họ

Hầu như các buôn làng và các gia đình người Mạ đều có thể thao tác được nghề rèn.Do rèn là công việc nặng nhọc nên thường do đàn ông đảm nhiệm, chủ yếu được làm trong lúc nông nhàn hoặc khi vào mùa vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm nhiều. Sản phẩm làm ra phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cộng đồng, một phần để trao đổi với các dân tộc vùng lân cận.

Nghề rèn truyền thống của người Mạ được sản xuất theo một quy trình khép kín, từ khâu chọn và xử lý quặng cho đến rèn và hoàn chỉnh sản phẩm.

Các công cụ sử dụng trong nghề rèn khá đơn giản gồm có: bếp lò, ống bễ thụt, kìm, kẹp, đe, búa, máng nước tôi sản phẩm…

Các sản phẩm nghề rèn không những phục vụ cho nhu cầu sản xuất, mà còn sử dụng trong các nghi lễ mang yếu tố tâm linh. Sản phẩm dùng trong đời sống hằng ngày bao gồm: xà gạt, lao, xà bách, dao, búa, rìu, mũi tên…

Nghề rèn của người Mạ vẫn còn hoạt động nhưng quy mô đang bị thu hẹp và mai một dần.

Lò rèn truyền thống thủ công

Lò rèn truyền thống thủ công

Sản phẩm dùng trong đới sống tâm linh gồm: xà gạt nghi lễ, lao nghi lễ. Những vật dụng này được rèn khá tỉ mỉ, kỹ lưỡng, độ bền và thẩm mỹ cao. Trong cộng đồng người Mạ, những vật dụng nghi lễ được xem là nơi trú ngụ của các thần linh, nên chỉ được dùng trong các lễ nghi nông nghiệp, nghi lễ vòng đời người, nghi lễ cộng đồng… Sau khi nghi lễ kết thúc người ta sẽ rửa sạch sẽ và cất giữ cẩn thận mà không dùng vào việc sinh hoạt hằng ngày để thể hiện sự kính trọng đến các đấng thần linh, với cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng bình yên và dân làng khoẻ mạnh no đủ, …

Trước đây hoạt động của nghề rèn diễn ra khá phổ biến trong cộng đồng người Mạ nhưng hiện nay nghề rèn chỉ còn tồn tại ở một số buôn làng mà thôi. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề rèn của người Mạ vẫn còn hoạt động nhưng quy mô đang bị thu hẹp và mai một dần. Nhiều bí quyết, kỹ thuật, kinh nghiệm tích luỹ từ nhiều thế hệ đang dần bị lãng quên, thay thế bởi những kỹ thuật mới mà không có sự kế thừa, phát huy giá trị truyền thống. Vì vậy, việc bảo tồn những giá trị của nghề rèn của người Mạ là rất cần thiết.

Hà Hạnh

4/5 - (1 bình chọn)


Gửi bình luận của bạn